Dưới tác dụng của những lực khác nhau, trên mặt phân cách nước - không khí ở biển luôn tồn tại các sóng. Trên profin sóng, mỗi một sóng bao gồm phần cao hơn mực sóng trung bình gọi là ngọn sóng và phần thấp hơn mực sóng trung bình gọi là đáy sóng. Điểm cao nhất của ngọn sóng là đỉnh sóng. Điểm thấp nhất của đáy sóng là chân sóng.
Hình: Profin sóng và các yếu tố sóng
Mực sóng trung bình: là đường thẳng cắt Profin sóng sao cho diện tích tổng cộng phần trên và phần dưới của profin sóng bằng nhau.
Độ cao sóng h là khoảng cách giữa đỉnh sóng và chân sóng xác định trên profin sóng dọc hướng truyền của sóng.
Bước sóng λ là khoảng cách ngang giữa các đỉnh của hai ngọn sóng kế cận nhau trên profin sóng dọc theo hướng truyền của sóng.
Chu kỳ sóng: là khoảng thời gian mà hai đỉnh sóng kế cận nhau đi qua một đường thẳng cố định.
2. Phân loại sóng:
- Sóng gió: là sóng xuất hiện dưới tác dụng của gió. Sóng gió truyền
trên mặt có dạng nhấp nhô như những trái núi, truyền liên tiếp hết dợt này đến đợt khác. Thông thường sóng gió có bước sóng ngắn, chu kỳ nhỏ, sườn sóng dốc. Sóng gió thường có dạng không đều.
- Sóng lừng: là sóng do gió sinh ra nhưng vào lúc quan trắc không còn chịu sự tác động của gió nữa. Dao động sóng lúc này chỉ diễn ra dưới tác dụng của trọng lực và đang tắt dần. Sóng lừng truyền qua khi lặng gió gọi là sóng lừng chết.
- Sóng nước nông: là sóng truyền vào vùng biển nông có độ sâu bằng hoặc nhỏ hơn nửa độ dài sóng. Nững sóng này sẽ giữ nguyên kiểu cũ, nhưng thường dốc hơn, độ dài cũng kém hơn.
- Sóng lăn tăn: là dạng sóng lúc mới hình thành do tác động của gió. Các đầu sóng hơi nhấp nhô tựa như những vẩy cá. Sóng lăn tăn có độ dài và độ cao rất nhỏ.
- Sóng xô bờ: là sóng có lưỡi dài phủ bọt trắng xóa khi sóng truyền vào bờ nông, thoải. Do ma sát đấy mà phần dưới của sóng bị giữ lại, phần trên vươn về phía trước có tốc độ lớn nên tạo thành những đỉnh sóng dài phủ bọt trắng đập mạnh vào bờ hoặc vỡ đổ tạo thành tiếng động ầm vang, có thể nghe được.
- Sóng đập: khi sóng xô bờ đập vào vách đá dựng đứng hay bờ dốc, nước và bọt vọt cao gọi là sóng đập (sóng vọt).
- Sóng gợn: Khi sóng truyền qua bãi cát, đá ngầm ở xa bờ, thấy có gợn bọt, gọi là sóng gợn.
- Sóng nhào (sóng vỡ): khi truyền vào vùng bãi biển dốc, sóng xô bờ bị vỡ và đổ vào bờ, được gọi là sóng nhào (sóng vỡ).
- Sóng thần: Sóng thần là chuỗi sóng biển chu kỳ dài (từ vài phút tới hàng giờ), lan truyền với vận tốc lớn. Tùy theo độ sâu đáy biển, vận tốc lan truyền sóng thần có thể đạt từ 720 km/giờ trở lên.
Động đất, núi lửa phun trào và các vụ nổ dưới đáy biển (kể cả các vụ thử hạt nhân dưới nước), trượt lở đất, va chạm của các thiên thạch... xảy ra trên biển đều có khả năng gây ra sóng thần.