Vận tốc là gì, công thức tính thời gian, vận tốc hay quãng đường là những cụm từ mà chắc hẳn chúng ta đã từng nghe qua, tuy nhiên, không phải ai cũng nhớ hết được những khái niệm hay các công thức tính toán liên quan đến các đại lượng này. Trong bài viết ngày hôm nay, Hoàng Hà Mobile sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về định nghĩa của vận tốc, phân biệt vận tốc với tốc độ cũng như biết được cách tính thời gian, vận tốc hay quãng đường một cách đơn giản và dễ nhớ nhất.
Tổng quan về vận tốc
Trước khi đi tìm hiểu sâu hơn về công thức tính thời gian, vận tốc và quãng đường, chúng ta hãy cùng nhau điểm lại một số khái niệm liên quan đến vận tốc cũng như tìm xem sự khác biệt giữa hai đại lượng quen thuộc là vận tốc và tốc độ.
Vận tốc là gì?
Vận tốc là một đại lượng vật lý đặc trưng cho sự nhanh chậm và hướng chuyển động của một vật trong không gian. Vận tốc được xác định bằng tỉ lệ giữa quãng đường mà vật đã di chuyển và thời gian mà vật di chuyển hết quãng đường đó.
Hiểu đơn giản, vận tốc là sự kết hợp của hai yếu tố: độ lớn và hướng. Độ lớn của vận tốc cho biết mức độ nhanh hoặc chậm của chuyển động và nó được tính bằng độ dài của quãng đường đi được trong một đơn vị thời gian. Trong khi đó, hướng của vận tốc là hướng chuyển động của vật. Hướng của vận tốc được xác định bằng góc giữa vận tốc và một hướng tham chiếu.
Đơn vị đo vận tốc
Thông thường, chúng ta sẽ đo vận tốc theo hệ đo lường SI, đây là hệ đo lường quốc tế. Đơn vị lo lường này cũng được áp dụng thống nhất trên toàn thế giới nhằm giúp cho việc đo đạc, tính toán và trao đổi thông tin về vận tốc trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.
Trong hệ đo lường SI, vận tốc được đo bằng đơn vị mét trên giây (m/s). Ngoài đơn vị mét trên giây, vận tốc còn có thể được đo bằng các đơn vị Kilômét trên giờ (km/h). Đây là đơn vị đo vận tốc phổ biến trong đời sống, được sử dụng để đo vận tốc của các phương tiện giao thông như xe máy, ô tô, tàu hỏa,…
Trong khi đó, ở một số quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada, và một số quốc gia Caribbean, người ta sẽ đo vận tốc bằng các đơn vị như:
- Dặm trên giờ (mph): Đây là đơn vị đo vận tốc phổ biến nhất trong hệ đo lường Anh, dùng để đo khoảng cách di chuyển một dặm trong một giờ. 1 dặm trên giờ bằng 1,609344 km trên giờ.
- Thước trên giây (ft/s): Đây là một đơn vị đo vận tốc ít phổ biến hơn, dùng để đo khoảng cách di chuyển một thước trong một giây. 1 thước trên giây bằng 0,3048 m trên giây.
So sánh sự giống nhau và khác nhau giữa vận tốc và tốc độ
Khi tìm hiểu về vận tốc cũng như công thức tính thời gian, vận tốc, quãng đường, đa phần chúng ta vẫn không phân biệt được hoặc có sự nhầm lẫn giữa hai đại lượng quen thuộc đó chính là vận tốc và tốc độ. Trên thực tế, vận tốc và tốc độ đều là đại lượng vật lý đặc trưng cho sự nhanh chậm của chuyển động một vật trong không gian. Cả hai đều được xác định bằng tỉ lệ giữa quãng đường mà vật đã di chuyển được và thời gian mà vật đã mất để di chuyển hết quãng đường đó.
Đây cũng hai đại lượng vật lý có mối liên hệ mật thiết với nhau, tuy nhiên, giữa chúng vẫn một số điểm khác biệt cơ bản.
- Về mặt định nghĩa, vận tốc là một đại lượng vectơ, có nghĩa là vận tốc có cả độ lớn và hướng. Trong khi đó, tốc độ là một đại lượng vô hướng, chỉ có độ lớn.
- Về mặt ý nghĩa, vận tốc thể hiện mức độ nhanh hay chậm của chuyển động, đồng thời cho biết hướng chuyển động. Tốc độ chỉ thể hiện mức độ nhanh hay chậm của chuyển động.
Tóm lại, vận tốc và tốc độ là hai đại lượng vật lý có dù có nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên, giữa chúng vẫn tồn tại một số điểm khác biệt cơ bản. Vận tốc là một đại lượng vectơ, có cả độ lớn và hướng, thể hiện mức độ nhanh hay chậm của chuyển động, đồng thời cho biết hướng chuyển động. Tốc độ là một đại lượng vô hướng, chỉ có độ lớn, thể hiện mức độ nhanh hay chậm của chuyển động.
Công thức tính thời gian, vận tốc, quãng đường chi tiết nhất
Trong phần này, chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu công thức tính các đại lượng trên và mối số điều cần lưu ý khi thực hiện tính toán vận tốc, quãng đường, thời gian.
Công thức tính vận tốc
Trong chuyển động thẳng đều, vận tốc sẽ được xác định theo công thức như sau:
v = S/t
Trong đó:
- v là vận tốc
- S là quãng đường mà vật di chuyển được
- t là khoảng thời gian mà vật đi hết quãng đường đó
Công thức tính thời gian, quãng đường
Từ công thức tính đại lượng vận tốc ở trên, chúng ta có thể suy ra cách tính của hai đại lượng còn lại là thời gian và quãng đường. Theo đó, khi đã biết hai đại lượng vận tốc và quãng đường, ta sẽ có công thức tính thời gian như sau:
t = S/v
Tương tự, khi đã biết hai đại lượng là thời gian và vận tốc, ta sẽ có công thức tính quãng đường như sau:
S = v x t
Cũng như ở trong phần công thức tính vận tốc đã nêu, các đại lượng s, v, t là:
- v là vận tốc
- S là quãng đường mà vật di chuyển được
- t là khoảng thời gian mà vật đi hết quãng đường đó
Một số lưu ý liên quan đến công thức tính thời gian, vận tốc, quãng đường
Lưu ý, khi thực hiện tính toán, các đơn vị của thời gian, vận tốc và quãng đường phải tương ứng với nhau. Ví dụ, nếu vận tốc có đơn vị là km/h thì thời gian phải có đơn vị là giờ (h). Nếu như vận tốc có đơn vị là m/s thì đồng nghĩa với việc thời gian cũng sẽ phải có đơn vị là giây (s).
Công thức tính thời gian, vận tốc, quãng đường chỉ áp dụng cho các chuyển động thẳng đều. Trong trường hợp đối với các chuyển động không đều, chúng ta cần phải sử dụng các công thức tính toán riêng biệt khác.
Các công thức này cũng có thể được sử dụng để giải các bài toán liên quan đến chuyển động. Ví dụ, có thể sử dụng công thức này để tính thời gian cần thiết để đi từ một điểm đến điểm khác, hoặc để tính mức tiêu thụ nhiên liệu của một phương tiện.
Một số bài toán để áp dụng công thức tính thời gian, vận tốc, quãng đường
Trong phần này, chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm lời giải cho một số bài toán áp dụng các công thức tính những đại lượng trên nhé!
Ví dụ để hiểu rõ hơn về công thức tính vận tốc
Bài 1: Một xe máy bắt đầu khởi hành từ điểm A vào lúc 8 giờ 30 phút và đến điểm B vào lúc 10 giờ 30 phút. Từ những dữ liệu trên, tính vận tốc của xe máy, biết quãng đường AB dài 150 km.
Trả lời:
Thời gian để xe máy di chuyển từ điểm A tới điểm B là: 10 giờ 30 phút - 8 giờ 30 phút = 2 giờ
Vận tốc của xe máy là: v = S/t = 150 : 2 = 75 (km/h)
Đáp số: 75 (km/giờ)
Ví dụ để hiểu rõ hơn về công thức tính thời gian
Bài 2: Cho biết quãng đường từ điểm A đến điểm B dài 100 km. Một xe đầu kéo di chuyển với vận tốc 50 km/h và đến điểm B vào lúc 11 giờ 30 phút sáng. Hỏi chiếc xe đầu kéo này đã đi từ điểm A vào lúc mấy giờ, biết rằng trong khoảng thời gian di chuyển, xe đã dừng dọc đường nghỉ ngơi 20 phút.
Trả lời:
Thời gian xe đầu kéo di chuyển từ A đến B (không tính thời gian xe dừng nghỉ dọc đường) là:
t = s/v = 100/50 = 2 giờ
Thời gian xe đầu kéo di chuyển từ A đến B (tính thêm cả thời gian xe dừng nghỉ đọc đường) là:
2 giờ + 20 phút = 2 giờ 20 phút
Như vậy, xe đầu kéo sẽ xuất phát tại điểm A từ lúc: 11 giờ 30 phút - 2 giờ 20 phút = 9 giờ 10 phút
Đáp số: 9 giờ 10 phút
Ví dụ để hiểu rõ hơn về công thức tính quãng đường
Bài 3: Cho biết một xe đầu kéo di chuyển với vận tốc 45 km/giờ, bắt đầu di chuyển từ điểm A vào lúc 7 giờ 30 phút sáng và xe đến đến B vào lúc 15 giờ 50 phút chiều. Hỏi quãng đường mà xe đầu kéo đã di chuyển dài bao nhiêu, biết rằng trong đoạn đường từ A đến B, xe có dừng lại nghỉ 1 giờ 20 phút.
Trả lời:
Thời gian mà xe đầu kéo đi và nghỉ dọc đường là: 15 giờ 50 phút - 7 giờ 30 phút sáng = 8 giờ 20 phút
Thời gian mà chiếc xe đầu kéo lăn bánh trên đường là: 8 giờ 20 phút - 1 giờ 20 phút = 7 giờ
Quãng đường mà xe đầu kéo đã di chuyển từ điểm A đến điểm B là: S = v x t = 45 x 7 = 315 (km)
Đáp số: 315 (km)
Ngoài ra, bạn cũng có thể tự đặt ra các bài toán khác để luyện tập. Khi giải bài toán, bạn cần lưu ý các điều sau:
- Kiểm tra xem các thông tin cho trong bài toán có đầy đủ và chính xác hay không.
- Xác định đại lượng cần tìm là gì.
- Sử dụng công thức phù hợp để giải bài toán.
- Kiểm tra lại kết quả một cách kĩ lưỡng để đảm bảo tính chính xác.
Như vậy, thông qua ba bài toán chi tiết trên, chúng tôi hy vọng rằng các bạn sẽ hiểu rõ hơn về các công thức tính thời gian, vận tốc, quãng đường và biết cách áp dụng các công thức này vào trong các bài tính toán.
Tổng kết
Trên đây là toàn bộ thông tin chi tiết về khái niệm vận tốc cũng như các công thức tính thời gian, vận tốc, quãng đường cơ bản nhất. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ giúp bạn mở mang thêm vốn kiến thức của mình hoặc đơn giản là để áp dụng vào các bài toán. Bên cạnh đó, việc nắm vững khái niệm vận tốc cũng là điều cần thiết để hiểu rõ các vấn đề liên quan đến chuyển động của các vật thể trong không gian. Nếu muốn biết thêm về những kiến thức, thủ thuật, mẹo hay cũng như cập nhật thông tin về đời sống công nghệ, bạn hãy theo dõi trang web của Hoàng Hà Mobile để tìm hiểu thêm nhé!
Xem thêm:
- Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định mới nhất năm 2023
- Minh họa 8 cách tính tuổi trong Excel nhanh chóng, đơn giản, chính xác