Khi đứng trên bề mặt trái đất, con người rất dễ quên rằng hành tinh chúng ta đang xoay quanh mặt trời với tốc độ 107.800 km/giờ. Không chỉ riêng địa cầu, 7 hành tinh khác cũng đang hối hả trên cuộc hành trình không mệt mỏi quanh mặt trời suốt hàng tỉ năm qua.
Hệ mặt trời được khai sinh khoảng 4,6 tỉ năm trước, khi sao trung tâm bắt đầu hình thành từ đám mây bụi xuất phát từ những vụ nổ tân tinh trước đó.
Cách đây khoảng 4,59 tỉ năm, nhóm hành tinh khổng lồ, gồm sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương, xuất hiện.
Và đến khoảng 4,5 tỉ năm trước, nhóm hành tinh đá, nhỏ hơn, gồm sao Thủy, sao Kim, trái đất và sao Hỏa, đã tượng hình, tổ chức The Planetary Society (California, Mỹ) cho biết.
Tuy nhiên, thuở sơ khai, quỹ đạo của các hành tinh quanh mặt trời hoàn toàn khác ngày nay, đặc biệt đối với nhóm hành tinh khổng lồ.
Trong khoảng 100 triệu năm đầu tiên, các hành tinh xảy ra tình trạng gọi là "bất ổn động học", xuất phát từ "cuộc chiến" lực hấp dẫn lẫn nhau. Hậu quả là các hành tinh bị đẩy ra xa khỏi sao trung tâm, theo Live Science dẫn lời nhà thiên văn học Sean Raymond của Phòng thí nghiệm Vật lý Thiên thể Bordeaux (Pháp).
Tuy nhiên, một khi mọi hành tinh đều lộ diện và chấm dứt tình trạng "công kích" lẫn nhau, quỹ đạo của chúng được thiết lập ổn định và hầu như chẳng thay đổi gì từ đó đến nay.
Chuyên gia Raymond tính toán được, do trái đất mất 1 năm để xoay quanh mặt trời và tồn tại đã 4,5 tỉ năm, có nghĩa là địa cầu đã hoàn tất khoảng 4,5 tỉ vòng quay quanh mặt trời.
Trong khi đó, sao Thủy có số vòng quay cao nhất là khoảng 18,7 tỉ vòng, còn sao Hải Vương thấp nhất với 27,9 triệu vòng.
Giới khoa học dự báo thời điểm loài người bị ‘xóa sổ’ khỏi trái đất