- ‘Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ’ là gì?
- Ý nghĩa của câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”
- Thể hiện tính đoàn kết
- Thể hiện tinh thần tương thân tương ái
- Những câu ca dao, tục ngữ về tính đoàn kết
Đoàn kết, tương thân tương ái là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Để lưu truyền tinh thần đó, cha ông ta đã đúc kết trong câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Cùng tìm hiểu xem câu tục ngữ ‘Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ’ dạy chúng ta điều gì nhé!
1. ‘Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ’ là gì?
Kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam vốn vô cùng đa dạng và phong phú. Đằng sau mỗi câu ca dao, tục ngữ điều ẩn ý những ý nghĩa sâu sắc, là bài học mà cha ông muốn lưu truyền lại để dạy dỗ con cháu ngày sau.
“Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” là một trong những câu tục ngữ mà dân gian xưa khéo léo sử dụng hình ảnh “con ngựa” để nói về mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội. Tại sao lại sử dụng hình ảnh “con ngựa” và “tàu cỏ” trong hoàn cảnh này?
Xét về nghĩa đen, ngựa là một loài động vật ăn cỏ, sống theo bầy đàn, tàu là máng ăn cho ngựa. Vì vậy câu tục ngữ có ý nói về khi một con ngựa ốm, không ăn uống được thì cả đàn ngựa cũng sẽ lo lắng không ăn.
Xét về nghĩa bóng, “một con ngựa” chính là đại diện cho cá nhân, khi “con ngựa đau” là khi mà cá nhân đang gặp phải khó khăn. Lúc này “cả tàu bỏ cỏ” là tập thể đang đồng cảm, cùng chia sẻ với nỗi đau của đồng loại. “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” ngụ ý nói về tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết, của tinh thần tương thân tương ái trong đời sống hằng ngày.
2. Ý nghĩa của câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”
Câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” không chỉ bàn về tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết của tập thể. Đằng sau câu tục ngữ này còn chứa một ý nghĩa lớn lao hơn về mối quan hệ giữa con người với con người trong cuộc sống.
2.1. Thể hiện tính đoàn kết
Tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” là một trong những câu nói được cha ông ta vận dụng từ ngàn đời xưa và cho đến nay vẫn có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống. Câu tục ngữ mang hàm ý về việc khi một người trong tập thể gặp chuyện thì các thành viên khác cũng sẽ lo lắng không yên. Tinh thần vì tập thể, vì cộng đồng đem lại rất nhiều ý nghĩa thiết thực trong đời sống hằng ngày.
Lịch sử đã chứng minh được rằng tinh thần đoàn kết có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi tinh thần đoàn kết đã tạo nên sức mạnh cho toàn dân tộc. Và cho đến nay tinh thần đoàn kết vẫn là một đức tính quan trọng mà mỗi người cần học hỏi. Sự đoàn kết là một tấm gương phản chiếu rõ về các mối quan hệ gắn kết trong xã hội, từ những cái “tôi” riêng biệt trở thành một cái chung gọi là “chúng ta”.
Tại sao chúng ta cần đoàn kết? Bởi tinh thần đoàn kết giúp mỗi cá nhân nhận ra và phát huy được năng lực tiềm tàng. Tinh thần đoàn kết giúp mỗi cá nhân trở nên tốt đẹp hơn, và bất cứ nơi nào có tinh thần đoàn kết, nơi đó ắt sẽ làm được việc lớn.
Xem thêm:
Thành ngữ ‘Đứng mũi chịu sào’ và nhiều bài học nhân sinh ý nghĩa
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao’
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Chung lưng đấu cật’ dạy ta điều gì?
2.2. Thể hiện tinh thần tương thân tương ái
Ngoài thể hiện sức mạnh đoàn kết, câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” còn ngụ ý nói về tinh thần tương thân tương ái trong cuộc sống. Khi đã cùng là một tập thể, mỗi người cần phải biết yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau. Khi ta biết yêu thương người thì cũng sẽ có lúc ta nhận lại được tình yêu thương đó.
Với những người khác trong tập thể khi đang gặp khó khăn, hoạn nạn, sự đồng cảm và giúp đỡ như là một cánh tay cứu giúp họ vượt qua thử thách. Từ đó họ có thêm niềm tin và động lực, tương thân tương ái sẽ tạo nên sự vững chắc và duy trì những mối quan hệ tốt đẹp trong tập thể.
Khi nói về tinh thần tương thân tương ái, câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” cũng lên án những người sống vị kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân. Sống có tình nghĩa, giúp đỡ lẫn nhau sẽ giúp xã hội và các mối quan hệ trong đời sống tốt đẹp hơn rất nhiều lần.
3. Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về tính đoàn kết
Ngoài câu nói “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, cha ông ta cũng đúc kết được rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ khác nói về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cuộc sống.
- Góp gió thành bão.
- Dựng nhà cần nhiều người, đánh giặc cần nhiều sức.
- Lá lành đùm lá rách.
- Môi hở răng lạnh.
- Con chim khôn cả đàn cùng khôn, con chim dại cả đàn cùng dại.
- Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết.
- Khi rét ta chung một lòng, khi đói ta chung một dạ.
- Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn.
- Bẻ đũa không bẻ được cả nắm.
- Chị ngã, em nâng.
- Chung lưng đấu cật.
- Đồng cam cộng khổ
- Giỏi một người không được, chăm một người không xong.
- Hợp quần gây sức mạnh.
- Cả bè hơn cây nứa.
- Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng. - Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.
- Nơi nào có sự đoàn kết, nơi đó có chiến thắng.
- Thương người như thể thương thân.
- Chết cả đống còn hơn sống một người.
- Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. - Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng. - Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
- Một hòn chẳng đắp nên non
Ba hòn đắp lại nên cồn Thái Sơn. - Thiếu cơm thiếu áo chẳng màng
Thiếu tình đoàn kết, xóm làng không vui. - Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần.
Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là điều cần có ở mọi thời đại. Câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” của cha ông ta là một bài học nhắc nhở chúng ta về lối sống có tình nghĩa, sống đoàn kết. Tình yêu thương là tiền đề để tạo mối quan hệ gắn bó sâu sắc, đoàn kết vì một xã hội tốt đẹp.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet