Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch “Văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Quê hương Nam Định văn hiến tự hào có 2 nhạc sĩ với các ca khúc đặc biệt: Nhạc sĩ Văn Cao, quê gốc xã Liên Minh (Vụ Bản), tác giả Quốc ca - “Tiến quân ca”; nhạc sĩ Hoàng Hòa, quê xã Nam Cường (Nam Trực), tác giả bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác” - Đoàn ca là những nghệ sĩ - chiến sĩ quê hương Nam Định có những cống hiến quan trọng cho nền nghệ thuật cách mạng Việt Nam. “Tiến quân ca”, “Thanh niên làm theo lời Bác” đã trở thành những giai điệu tự hào đồng hành cùng quân và dân Việt Nam trong suốt những năm tháng đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Bút tích chép tay câu chuyện về bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Tư liệu |
“Bài ca đi cùng năm tháng”
Nhạc sĩ Văn Cao, quê gốc ở làng An Lễ, xã Liên Minh (Vụ Bản). Ông đã từng cùng nhà văn Nguyễn Đình Thi viết và in báo Độc Lập, một tờ báo cách mạng phát hành bí mật và tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội tháng 8-1945; sau đó nhận công tác tại Công an Liên khu 10, phụ trách tình báo ở vùng biên giới Lào Cai. Năm 1946, ông cùng đồng chí Hà Đăng Ấn được giao nhiệm vụ chuyên chở tiền và vũ khí trên một toa tàu tiếp tế cho mặt trận Nam Bộ, trực tiếp trao cho đồng chí Nguyễn Thị Định ở Quảng Ngãi. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhạc sĩ Văn Cao lên Vĩnh Yên tiếp tục làm báo Độc Lập, rồi được Trung ương điều lên Việt Bắc tham gia thành lập Hội Văn nghệ và ra tờ báo Văn nghệ. Ông là hội viên sáng lập và từng giữ cương vị Phó Tổng Thư ký Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam…
Văn Cao là người nghệ sĩ đa tài trên cả ba lĩnh vực thi ca, hội họa và âm nhạc. Về âm nhạc, Văn Cao đã để lại cho công chúng nhiều tác phẩm nổi tiếng các thể loại từ nhạc trữ tình, ca khúc lãng mạn “Buồn tàn thu”, “Bến xuân”, “Thu cô liêu”, “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Trương Chi”…; các hành khúc “Thăng Long hành khúc ca”, “Gò Đống Đa”, “Tiến quân ca”, “Tiến về Hà Nội”; các thôn ca: “Làng tôi”, “Ngày mùa”, đến chính ca “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Chiến sĩ Việt Nam”, “Trường ca sông Lô”… Nhiều bài hát của nhạc sĩ Văn Cao đã đi vào tâm thức dân tộc, trở thành niềm kiêu hãnh của tâm hồn, trí tuệ con người Việt Nam. Trong đó, “Tiến quân ca” là bài hát được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào năm 1944 và được sử dụng làm Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kể từ năm 1976. Trước đó, bài hát này là Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1945 đến năm 1976. Vào đầu tháng 10-1944, nhạc sĩ Văn Cao gặp một cán bộ Việt Minh tên gọi Vũ Quý, tại ga Hàng Cỏ. Đồng chí Vũ Quý khi ấy đang công tác tại Ban cán sự Đảng Hà Nội - nay là Thành ủy Hà Nội. Tại cuộc gặp này, đồng chí Vũ Quý đã động viên Văn Cao tham gia hoạt động cách mạng và Văn Cao đồng ý. Nhiệm vụ đầu tiên mà đồng chí Vũ Quý giao cho nhạc sĩ Văn Cao là soạn một bài hát để động viên tinh thần cho Đội quân cách mạng, với yêu cầu: Bài hát đó phải là một tiếng kèn xung trận, một hiệu lệnh xuất quân... Đó là chất xúc tác đầu tiên để nhạc sĩ Văn Cao cho ra đời bài “Tiến quân ca”. Cuối năm 1944, bài hát được hoàn thành, với những lời ca hào hùng: “Đoàn quân Việt Minh đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa… Đoàn quân Việt Minh đi, sao vàng phấp phới, dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than…”. Và cuối cùng ở đoạn cao trào, bài hát như một lời hiệu triệu “Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là đây nơi ước nguyền…”.
Trong hồi ký “Tại sao tôi viết Tiến quân ca”, nhạc sĩ Văn Cao kể: “Tháng 11-1944, tôi tự tay viết bài Tiến quân ca lên đá in trang Văn nghệ đầu tiên của tờ báo Độc lập còn giữ lại nét chữ viết của một anh thợ mới vào nghề. Một tháng sau khi báo phát hành, tôi từ cơ quan ấn loát trở về. Qua một đường phố nhỏ (bây giờ là đường Mai Hắc Đế) tôi chợt nghe thấy tiếng đàn măng-đô-lin từ một căn gác vọng xuống. Có người đang tập hát Tiến quân ca. Tôi dừng lại và tự nhiên thấy xúc động. Một xúc động đến với tôi hơn tất cả những tác phẩm của tôi đã được trình diễn ở các rạp hát trước đây. Tôi nhận ra được vài chỗ nhịp điệu còn chưa được hoàn chỉnh. Nhưng bài hát đã in ra rồi. Bài hát đã được phổ biến và không còn là của riêng tôi...”.
Ngày 13-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17-8-1945, trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát Lớn, bài “Tiến quân ca” đã được cất lên. Cũng trong cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Nhà hát Lớn, ngày 19-8-1945, dàn đồng ca của Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát bài “Tiến quân ca” chào lá cờ đỏ sao vàng. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, “Tiến quân ca” chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình bởi Ban nhạc Giải phóng quân do Đinh Ngọc Liên chỉ huy. Năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, tại Điều 3 ghi rõ: “Quốc ca là bài Tiến quân ca”.
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (tháng 8-2013). |
Để ghi nhận những đóng góp lớn lao của nhạc sĩ Văn Cao đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, dân tộc cũng như những thành tựu sáng tạo nghệ thuật, ngoài Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật, ông còn được Nhà nước trao tặng: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, cùng nhiều huân chương, danh hiệu cao quý khác. Tên nhạc sĩ Văn Cao đã được đặt cho nhiều đường phố ở các địa phương: Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt…
“Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”
Năm 1953, từ 4 câu thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), nhạc sĩ Hoàng Hòa, tên thật là Cao Hy Vọng, quê xã Nam Cường (Nam Trực) đã xúc cảm sáng tác bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác”. Bài hát nhanh chóng lan truyền, được các chiến sĩ, lớp thanh niên cả nước ngày ấy đón nhận. Đặc biệt xúc động và tự hào, trong ngày chào mừng Giải phóng Thủ đô (10-10-1954), có 2 bài hát được cử hành trong buổi lễ mừng ngày hội lớn đều là những ca khúc do người con quê hương Nam Định sáng tác, đó là bài “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao và bài “Thanh niên làm theo lời Bác” của nhạc sĩ Hoàng Hoà. Tháng 10-1992, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI, bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác” được chọn làm bài ca chính thức của Đoàn.
Năm 2014, chúng tôi có cơ hội được đến thăm nhạc sĩ Hoàng Hòa tại số 3, Hồ Xuân Hương, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Lúc này, do bị tai biến, sức khỏe ông đã yếu, bị liệt và phát âm không rõ tiếng nên chúng tôi trò chuyện với người thân trong gia đình và được gia đình cung cấp những tài liệu, sáng tác của nhạc sĩ chưa công bố trên các phương tiện truyền thông, trong đó, có lời hai của bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác”. Ông Cao Trí Nguyện, em trai nhạc sĩ Hoàng Hòa, công tác tại Nam Định cho biết: Cả cuộc đời anh Hoàng Hòa cống hiến cho phong trào thanh niên. Năm 15 tuổi, Hoàng Hoà tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc, từng là Bí thư Tỉnh Đoàn Hưng Yên, Bí thư Thành Đoàn Hải Phòng, Thường vụ Trung ương Đoàn khóa III, IV, là Trưởng Ban học sinh, sinh viên. Ông Nguyện kể: Bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác” của anh tôi là nhạc sĩ Hoàng Hoà sáng tác năm 1953, nhưng nhiều người nhầm tên và quê quán của tác giả. Khi sáng tác bài hát này, anh tôi đang là Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Bình, nên mọi người nhầm tưởng Thái Bình là quê hương của tác giả.
Tiết mục văn nghệ “Thanh niên làm theo lời Bác” của nhạc sĩ Hoàng Hòa chào mừng 92 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (năm 2023). |
Từ tháng 9-1949 đến tháng 5-1953, Hoàng Hòa hoạt động trên địa bàn Thái Bình. Vào một buổi sáng tháng 3-1953, tại khu du kích căn cứ Đông Hồ - Kỳ Anh (Thái Bình), Hoàng Hòa đọc được bài tường thuật chuyến đi thăm đơn vị TNXP - Phân đội 312 bảo đảm giao thông ở Việt Bắc ngày 28-3-1951 tại bản Nà Tu (nay là xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn) của Bác trên Báo Cứu quốc. Qua bài báo, Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Bình Cao Hy Vọng rất xúc động về hình ảnh và tình cảm của Bác đối với các chiến sĩ TNXP. Trong chuyến thăm, Bác Hồ ân cần căn dặn: “Đã là TNXP thì bất cứ việc gì trên giao dù dễ hay khó, to hay nhỏ, ở lĩnh vực nào cũng đều phải xung phong”. Rồi Bác hỏi: “Các cháu có thấy người ta đào được núi không?”. “Thưa Bác, chúng cháu đang đào núi đây ạ”. “Thế có thấy ai lấp được biển không?”. Anh chị em trong đội nhìn nhau bí quá không biết trả lời như thế nào, vì mới chỉ nghe kể về biển chứ đã ai được trông thấy tận mắt. Thấy tất cả im lặng, Bác kể chuyện ở Hải Phòng nhân dân lấn biển để lấy đất trồng trọt như thế nào cho anh chị em nghe. Đoạn Bác Hồ nói: “Bây giờ Bác tặng các cháu mấy câu thơ để các cháu ghi nhớ và phấn đấu mỗi khi làm việc”: “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”.
Bài báo, nhất là 4 câu thơ Bác tặng TNXP và những lời căn dặn của Người đã gây xúc động lớn cho nhạc sĩ Hoàng Hòa. Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Hoàng Hòa ghi lại: “Tôi nghĩ ngay tới việc phải viết ngay bài hát truyền đạt lời Bác dạy cho thanh niên, động viên họ lên đường cứu quốc. Bác thường nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Cứ thế, nên tôi lấy câu đầu tiên “kết đoàn lại”, cảm xúc lên rất nhanh, từng tứ nhạc, từng câu cứ cuộn chảy, nối nhau ra. Tôi viết một lèo mà không phải sửa gì, hoàn thành chỉ trong một buổi sáng. Trong 4 câu đầu, tôi dùng chùm 3 để miêu tả lớp lớp thanh niên hùng tráng. Sau đó là cao trào: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Cao trào đó làm bài hát hoàn chỉnh, nói lên được thông điệp với thanh niên. Buổi chiều, tôi hát thử cho anh em, mọi người thuộc ngay và hát rất khí thế. Chỉ bằng cách truyền miệng mà trong thời gian ngắn, bài hát được phổ biến khắp tỉnh Thái Bình và khu tả ngạn sông Hồng (Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng). Tháng 10-1954, khi phổ biến bài hát cho đoàn quân tiến vào tiếp quản Thủ đô, anh em gợi ý đổi chữ “kết đoàn lại” thành “kết liên lại” cho dễ hát. Tôi thích và dùng chữ “ắt” ở cuối bài - nguyên văn bài thơ của Bác, từ này thể hiện chí khí thanh niên rất mạnh, nhưng mọi người muốn đổi thành “cũng” cho dễ thuộc. Tôi “cũng” đồng ý vì bài hát phục vụ phong trào quần chúng, cần dễ hát, dễ thuộc”.
Tháng 7-1954, tại hội nghị cán bộ Đoàn toàn quốc, bài hát này được phổ biến cho các đại biểu. Chủ tịch Hồ Chí Minh dành thời gian gặp gỡ các đại biểu về dự hội nghị tại Phủ Chủ tịch. Bác hỏi thăm sức khỏe của mọi người, về tình hình sản xuất, kiến thiết ở miền Bắc và chi viện cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Bác đề nghị mọi người cùng hát tập thể một bài và bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác” vang lên. Mọi người hát xong, Bác hỏi tên tác giả, lúc đó Hoàng Hòa cũng có mặt ở đấy. Bác khen: “Cháu làm bài hát hay đấy nhưng phải phổ biến cho mọi người cùng hát đấy nhé!”. Trước khi chia tay, Bác còn căn dặn: “Các cháu về đơn vị, địa phương phải cố gắng công tác, học tập và thực hiện đúng như lời bài mà các cháu vừa hát!”.
Trao đổi với người thân gia đình, chúng tôi được biết, bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác” của nhạc sĩ Hoàng Hòa có hai lời nhưng các tập sách nhạc chỉ in lời một, có nơi còn in sai lời. Lời hai của ca khúc là: “Khó không sờn xung phong tiến lên nào anh em ơi/ Ta quyết xây dựng hạnh phúc hòa bình độc lập, tự do/ Khó không sờn, xung phong tiến lên sản xuất kiến thiết/ Lúa ngô đầy đồng, nhà máy tưng bừng sản xuất ấm no/ Đi lên thanh niên, chớ ngại ngần chi/ Đi lên thanh niên, làm theo lời Bác: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.
Trong sáng tác âm nhạc, Hoàng Hòa được coi là nhạc sĩ của Đoàn với hơn 30 ca khúc viết cho thanh niên. Tiêu biểu như: “Vâng lời Bác thanh niên lên đường”, “Đoàn ta đi tiên phong”, “Ra đi giết giặc”, “Hát lên bạn ơi”, “Nhớ mãi công ơn Người”, “Về đây họp Đoàn”, “Lẽ sống”, “Đất nước vào xuân”… Năm 2012, nhạc sĩ Hoàng Hoà vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì vì những cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Đoàn và tuổi trẻ Việt Nam./.
Bài và ảnh: Việt Thắng